Thứ sáu, 03/05/2024
Chào mừng bạn đến với UBND Xã Ninh Giang
Du lịch dịch vụ

SƠ LƯỢC NGUỒN GỐC VÀ LỊCH SỬ HÌNH THÀNH LÀNG TRUNG TRỮ THUỞ BAN ĐẦU (1492 - 1664)

Thứ sáu, 19/05/2023 , Đã xem: 250

          Vào những năm cuối thế kỉ XV, triều đình Hậu Lê, đời vua Lê Thánh Tông ban hành bộ luật Hồng Đức trong đó có điều khoản “Khuyến nông”. Kinh đô Hoa Lư lúc đó chỉ còn là cố đô. Vùng đất hoang hóa ở phía đông xã Trường Yên thượng chưa được khai khẩn. Ở thời điểm đó, quá trình khai khẩn đất hoang ngoài việc xuống bể lên rừng còn tập trung khai phá vùng đất phía Đông kết hợp giữ giới phía Đông xã Trường Yên Thượng.

          Vào năm Hồng Đức thứ 23 (năm 1492) - Đời vua Lê Thánh Tông nhà Hậu Lê" một số hộ dân xã Trường Yên thượng được cử ra giữ giới và khai khẩn đất hoang. Lúc đầu số người tham gia thuộc ba dòng họ: Họ Đinh, họ Lê, họ Nguyễn. Thời gian đầu các cụ còn khi đi khi về. Sau đó các cụ đưa gia đình chuyển ra ở nhờ đất La Cầu (làng La Vân và La Mai hiện nay) rồi tiến đến chân núi Cô Phong (làng Phong Phú hiện nay).

           Buổi đầu chân ướt chân ráo, việc khai khẩn đất hoang gặp rất nhiều khó khăn. Song được dân làng La Cầu và Cô Phong giúp đỡ, các cụ làm lều lán chuyển ra phía Đại Cự Sơn (núi Dược hiện nay) để thực hiện việc khai khẩn đất hoang, chiêu dân lập ấp lập, lập nên thôn nhỏ gọi là Trung thôn.

            Đến trước năm Đoan Khánh thứ tư (1508) đời vua Lê Uy Mục nhà Hậu Lê, số dân Trung thôn đã là 56 người (họ Đinh 22, họ Lê 18, họ Nguyễn 16). Hiện còn lưu giữ được tấm mộc phả (phả khắc vào gỗ): Đinh Lê Nguyễn tam hộ cộng lập và được lưu tại từ đường họ Đinh Thế xóm Nam. Tuy vậy, đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa của cư dân Trung thôn hoàn toàn phụ thuộc vào chính xã Trường Yên Thượng.

          Những ngày tuần tiết, sóc vọng về chậm hay lễ nghi chưa đủ thường bị phạt vạ, có khi phải nộp phạt bằng đất ruộng vừa mới khai khẩn. Không thể phụ thuộc mãi vào chính xã, các cụ làm đơn lên triều đình Hậu Lê xin phân sách xã dân. Quá trình xin phân sách xã kéo dài 06 năm chia làm 02 đợt: Đợt đầu, từ năm 1508 – 1512, ban phân sách xã dân gồm 9 cụ.

          Do hết lương thực nên phải bỏ dở công việc 01 năm. Đợt hai, từ năm 1513 – 1514, các cụ cử thêm 10 cụ nữa vào ban phân sách xã dân. Đến năm Hồng Thuận thứ tư (năm 1514) đời vua Lê Tương Dực nhà Hậu Lê mới có chỉ dụ đồng ý cho phân sách xã dân: “BIỆT LẬP VI TRUNG TRỮ XÔ. Nhưng đó mới là chấp nhận cho phân sách xã dân về mặt hành chính chứ chưa phân điền thổ rạch ròi.

          Các cụ lại tiếp tục xin triều đình cho phân sách điền thổ. Đến năm Quang Thiệu thứ ba (1519) đời vua Lê Chiêu Tông nhà Hậu Lê, Bộ Hộ mới cử nha môn về quân chia ruộng đất, núi non cho 02 xã. Tổng số ruộng trên 1000 mẫu chia làm 06 phần, xã Trung Trữ được 01 phần (hương sử ghi là Lục phần chi nhất). Trong tổng số 08 vạn ngọn núi (bát vạn Đại Sơn) xã Trung Trữ được hai ngọn rưỡi, trong đó Núi Gòi được chia bổ dọc, xã Trung Trữ được nửa ở sườn phía Nam. Công việc xin phân sách xã dân và phân sách điền thổ hoàn thành, dân làng cử cụ Đinh Thế Dong làm xã trưởng, cụ Nguyễn Khắc Nhân làm xã sử, cụ Đinh Khể làm xã thần, cụ Lê Văn Quốc làm sinh đồ có nhiệm vụ hoàn chỉnh địa bạ và xin theo về tổng Bạch Cừ để tiện việc công.

         Như vậy, qua 11 năm ròng rã đi kêu xin triều đình cho phân sách xã dân và phân sách điền thổ dù phải chịu bao khó khăn gian khổ thiếu thốn đủ bề, các cụ tiền nhân vẫn quyết tâm đạt cho được mục tiêu đem lại cho cư dân Trung Thôn cuộc sống tự lập, tự cường không bị ràng buộc vào chính xã Trường Yên Thượng. Sau khi làng được thành lập, để đáp ứng nhu cầu về đời sống văn hóa tinh thần và tâm linh, các cụ xây dựng Chùa Bần ở núi Gòi, xây dựng đình ở khu trung tâm làng làm nơi tế tự và thờ phụng thành hoàng làng. Trong việc triệu lập xã dân, dân làng suy tôn ba vị có công lao lớn là các cụ: Đinh Thế Dong, Lê Hữu Phù và Nguyễn Thế Kiên. Cụ Đinh Thế Dong – thủy tổ họ Đinh Thế được suy tôn danh hiệu “SÁCH XÃ ĐỆ NHẤT CÔNG”, các cụ khác đều được bình công và thưởng ruộng.

           Trong việc triệu lập xã dân, phân sách xã dân, phân sách điền thổ ghi công 03 cụ nữa cũng có nhiều công lao là cụ Đinh Thế Gia, cụ Bùi Thế Trưng và cụ Vũ Lương Tá. Cụ Đinh Thế Dong có kết bạn với cụ tổ họ Vũ bách niên ở thôn Bãi Trữ, được các cụ của dòng họ Vũ bách niên có người làm việc quan trong triều bày vẽ giúp cho việc chiêu tập thêm số dân đinh để bảo đảm đủ số lượng theo quy định của triều đình và chia ruộng treo cho những người ở xa chưa về. Thời cuộc đổi thay, năm 1527 Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Hậu Lê.

            Từ năm 1533, cuộc chiến tranh Nam - Bắc triều diễn ra để giành lại ngôi vua cho nhà Hậu Lê kéo dài trên 60 năm. Trung Trữ ở vùng ráp ranh, nơi xảy ra những cuộc giao tranh quyết liệt của quân đội triều Mạc và triều Lê Trung Hưng. Với vị trí đó, dân làng Trung Trữ đã nhiệt tình ủng hộ triều đình Lê Trung Hưng. Khu vực nay là đình làng đã trở thành kho lương dự trữ của quân đội nhà Lê Trung Hưng. Những địa danh như: Bến Hàng, Con Toán, Vườn Bái… còn truyền lại đến ngày nay đã nói lên điều đó. Sau khi giành lại ngôi vua, nhà Lê Trung Hưng xét công lao của dân làng Trung Trữ mới ban cho ấn chính thức vào năm Cảnh Trị nhị niên (1664) đời vua Lê Huyền Tông. Ròng rã suốt 156 năm (1508 - 1664) làng Trung Trữ mới có được cái tên trên bản đồ hành chính quốc gia.

             Cụ quan án hiền sĩ Bùi Quốc Trinh đã ghi lại niên đại này trên cột đồng trụ cụ công đức cho làng:

“Hữu thử xã dân cảnh nhị niên dĩ hậu An như Bàn Thái Đại Nam ức tải kì sơ”

    Tạm dịch: “Có dân xã này kể từ năm thứ hai đời vua Cảnh Trị Vững bền như Bàn Thái, nước Đại Nam nghìn vạn năm sau”

           * Từ ngày cụ Đinh Thế Dong cùng bạn hữu đặt nhát cuốc đầu tiên, mở đầu công cuộc khẩn hoang, khai phá đất hoang và giữ giới phía Đông xã Trường Yên Thượng, đến nay đã tròn 530 năm (1492 - 2022). “ĐẤT LÀNH - CHIM ĐẬU”: Thuở ban đầu, năm Đoan Khánh thứ Tư (1508) mới có 3 hộ dân, với số dân 56 người - Đến nay (năm 2022) làng Trung Trữ đã có 29 cửa họ, tính đến năm 2004 là 648 hộ với số dân 2.114 người.

            Ngoài ra, còn khá đông con em làng Trữ là con cháu các cửa họ trong Làng, đang định cư lập nghiệp ở các Tỉnh - Thành trên khắp miền đất nước và ở cả nước ngoài. Kế thừa và phát huy đức tính cần cù, thật thà, chất phác, nhưng đầy khí chất tự lập, tự cường; tinh thần bền bỉ, đoàn kết đấu tranh vì mục tiêu chung; ... mà các Cụ tiền nhân để lại, con em làng Trữ nay có rất nhiều người thành đạt trên nhiều lĩnh vực - nhưng luôn có tâm nguyện hướng về cội nguồn quê hương bản quán - góp phần xây dựng quê hương ngày thêm GIÀU - ĐẸP.

Một số hình ảnh về Đình Trung Trữ sau khi được trùng tu, tôn tạo vào năm 2022.

Bài: Đinh Thế Hiên; Ảnh: Ngô Hùng

Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập
Tổng số lượt truy cập
736070

Trực tuyến: 4

Hôm nay: 11

Hôm qua: 94