Thứ sáu, 03/05/2024
Chào mừng bạn đến với UBND Xã Ninh Giang
Tin tức sự kiện

Ban văn hóa Làng Trung Trữ: Tổ chức Lễ giỗ vua Lê Đại Hành lần thứ 1019

Thứ ba, 16/04/2024 , Đã xem: 21

Đã trở thành sự kiện văn hóa tâm linh thường niên, hàng năm trùng vào dịp Lễ hội Hoa Lư được tổ chức (Tháng 3 Âm lịch). Dưới sự chủ trì của Ban văn hóa làng: Nhân dân Làng Trung Trữ long trọng Lễ giỗ vua Lê Đại Hành (vị vua khai sáng triều đại nhà Tiền Lê) thể hiện sự tri ân của Nhân dân làng Trung Trữ đối với công đức to lớn của vua Lê Đại Hành đối với đất nước và Nhân dân.

(Tượng vua Lê Đại Hành được thờ tại Đền Lê - Khu dich tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư - Ninh Bình)

(Tượng Vua Lê Đại Hành bên trái - tượng Vua Đinh Tiên Hoàng bên phải được thờ tại Đình làng thôn Trung Trữ - xã Ninh Giang - Hoa Lư - Ninh Bình)

Nhân sự kiện lễ giỗ của Ngài, Ban biên tập trang thông tin điện tử xã Ninh Giang xin được giới thiệu đôi nét về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của Ngài (thông tin được sưu tầm từ những sử liệu chính thống của Việt Nam):

Nhắc tới những vị vua của triều đại nhà Tiền Lê phải kể đến vị vua đầu tiên đồng thời là người có công lao rất lớn cho việc củng cố nền độc lập dân tộc từ đó xây dựng và kiến tạo đất nước - Hoàng đế Lê Đại Hành. Không những vậy, ông cũng là người tạo tiền đề giúp cho Lý Công Uẩn đủ khả năng tiến hành dời đô từ Hoa Lư về tới Thăng Long vào năm 1010. Sự kiện này như mở ra kỷ nguyên mới hứa hẹn cho một tương lai phát triển bền vững của nền văn hóa Thăng Long - Hà Nội, thủ đô ngày nay của Việt Nam.

Vua Lê Đại Hành có tên húy là Lê Hoàn, ông sinh năm 941 mất năm 1005. Gia đình của Lê Đại Hành rất nghèo khó, cha ông là Lê Mịch và mẹ ông là Đặng Thị Sen.

Cha mẹ của Lê Đại Hành qua đời sớm nhưng ông may mắn được một vị quan tên Lê Đột cưu mang và nhận nuôi. Đến tuổi trưởng thành, Lê Đại Hành nối gót Đinh Liễn và từ đó lập nhiều chiến công. Lê Đại Hành chỉ huy 2000 binh sĩ trong cuộc đánh dẹp loạn 12 sứ quân, hỗ trợ đắc lực cho Đinh Bộ Lĩnh từ đó thống nhất đất nước năm 968. Sau chiến công đó, ông được đảm nhiệm chức Thập đạo tướng quân - vị tướng chỉ huy tới mười đạo quân song song chức vụ tổng chỉ huy quân đội toàn nước Đại Cồ Việt cùng lãnh đạo đội quân cấm vệ thuộc triều đình Hoa Lư. Vào thời điểm khi đó Lê Đại Hành mới 27 tuổi.

Hai cha con Đinh Tiên Hoàng cùng Đinh Liễn bị sát hại vào tháng 10 năm 979, vệ vương Đinh Toàn lên ngôi vua khi 6 tuổi. Lê Đại Hành đảm nhiệm vai trò Nhiếp chính và có quyền tự do đi lại vào cung cấm. Bên cạnh Đinh Tiên Hoàng lúc đó là các đại thần thân cận như Đinh Điền, Trịnh Tú, Lưu Cơ, Nguyễn Bặc và Phạm Hạp. Không lâu sau, Phò mã Ngô Nhật Khánh trốn thoát vào miền Nam, vua Chiêm Thành cùng hơn nghìn thuyền chiến lớn lên kế hoạch tấn công kinh đô Hoa Lư nhưng gặp bão dìm chết.  

Nhìn nhận triều đình Hoa Lư lâm vào tình trạng rối ren, vị vua Tống (Trung Quốc) đe dọa buộc triều Đinh phải đầu hàng và nhà Tống lăm le cho quân tấn công nhằm chiếm Đại Cồ Việt. Trước diễn biến căng thẳng đó, Thái hậu Dương Vân Nga với tướng Phạm Cự Lạng cùng các triều thần tôn Lê Hoàn lên ngôi.

Lê Hoàn chính thức lên làm vua (theo sử cũ gọi là Lê Đại Hành) lấy niên hiệu là Thiên Phúc cùng giữ nguyên quốc hiệu Đại Cồ Việt và đóng đô tại Hoa Lư, Ninh Bình. Sau đó ông giao cho em của Phạm Hạp làm đại tướng quân.

(Một số hình ảnh chụp tại Đình làng Trung Trữ nhân Lễ giỗ của Ngài được tổ chức vào ngày 8/3 năm Giáp Thìn 2024)

 

(Tượng thờ Thái hậu Dương Vân Nga)

(Đội tế nữ quan của làng Trung Trữ)

(Lễ giỗ được diễn ra trong thời tiết nắng đẹp)

(Ông Vũ Trung Tính - Trưởng BVH làng Trung Trữ ôn lại cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của Vua Lê Đại Hành)

Vị Hoàng đế Phá Tống - bình Chiêm

Đề cập tới một trong những chiến công vang dội nhất của vua Lê Đại Hành, chắc chắn phải nói đến trận chiến đánh bại quân nhà Tống và xứ Chiêm Thành.

Phá Tống

Khoảng đầu năm 981, vua nhà Tống cho quân sang tấn công Đại Cồ Việt và cử các tướng cầm quân chia 2 đường thủy bộ gồm cánh bộ di chuyển theo mạn Lạng Sơn còn thủy tiến vào khu vực sông Bạch Đằng.

Tháng 4 năm 981, quân của các vị tướng Hầu Nhân Bảo, Trần Khâm Tộ, Lưu Trừng lần lượt đến Ngân Sơn, Tây Kết và sông Bạch Đằng. Vua Lê Đại Hành đích thân làm tướng chống Tống và sai người cắm cọc để tạo dựng bãi cọc ngăn sông. Trên sông Bạch Đằng, quân Đại Cồ Việt ta chặn đánh thủy quân Tống song những chiếc thuyền chiến của quân Tống đều bị đâm thủng bởi những chiếc cọc sông cho dù thế trận áp đảo. Chính vì vậy quân Tống không thể nào xâm nhập sâu vào nội địa, thủy quân Tống đành nhận thất bại. Tướng Tôn Toàn Hưng lưỡng lự không dám tiến tiếp nên dừng quân đến hơn 70 ngày, Hầu Nhân Bảo vì hiếu chiến nên tự tin đem quân của mình tấn công sông Thương.

Thời điểm quân của Hầu Nhân Bảo tiến đến Chi Lăng, vua Lê Đại Hành đánh lạc hướng Hầu Nhân Bảo bằng cách vờ xin hàng rồi sau đó cho quân binh ập ra đánh dữ dội.               

Sau chiến thắng lớn của hai trận Bạch Đằng và Tây Kết, quân lính nhà Lê giết được Hầu Nhân Bảo và bắt sống được Triệu Phụng Huân và Quách Quân Biện và loạt tướng nhà Tống phải tháo chạy về nước.

Bình Chiêm  

Khi người Chiêm Thành đã xây dựng được một quốc gia độc lập từ năm 192 thì người Việt đang đắm chìm dưới nô dịch của phong kiến phương Bắc. Từ khi lập nước, Chiêm Thành thường xuyên tiến hành hoạt động quân sự phối hợp với Đại Cồ Việt.

Vào năm 982, Lê Đại Hành cử Từ Mục và Ngô Tử Canh đi sứ Chiêm Thành nhưng bị vua Chiêm phát hiện và bắt giữ. Vì lẽ đó, Hoàng đế Lê Đại Hành nổi giận cho người sửa sang binh khí, đóng chiến thuyền và đích thân làm tướng đi đánh. Ông chém Bê Mi Thuế ngay tại trận, Chiêm Thành thất bại nặng nề. Chưa dừng lại ở đó quân lính Đại Việt còn bắt sống được vô vàn quân sĩ, kỹ nữ trong cung và một ông sư và đem về số lượng lớn vàng bạc. Chiến thắng này của vua Lê Đại Hành đã phá hủy tông miếu, san phẳng thành trì.

Xuyên suốt thời gian trị vì 24 năm của Lê Đại Hành - một người luôn chú tâm tới phía Nam tổ quốc, ông tự cầm quân chống lại nhiều thế lực xâm lấn đã bảo vệ tuyệt đối miền biên giới song mở rộng thêm lãnh thổ của quốc gia độc lập Đại Việt.     

Vua Lê Đại Hành là một vị vua vừa có tài, khéo ngoại giao song giữ thể hiện cho đất nước để không bị một nước lớn nào chèn ép. Không những vậy, ông còn quan tâm đặc biệt tới chính sự của nước nhà, của nhân dân và coi trọng việc biên phòng với những quy định pháp lệnh. Nói có sách mách có chứng, sứ thần Trung Quốc phải tôn sùng Lê Đại Hành bởi Hoa Lư thịnh vượng hơn cả thời nhà Đinh. Không thể phủ nhận những điều đó không phải đời vua nào trong lịch sử dân tộc Việt Nam cũng làm được. Vị Hoàng đế đầu tiên của nhà Tiền Lê chứng tỏ mình là tấm gương cho một người chí công vô tư - không để thú oán cá nhân can thiệp vào việc chung. Ông tiêu diệt Phạm Hạp bởi tội làm loạn nhưng coi trọng em của Phạm Hạp là Phạm Cự Lạng và thăng chức tới thái úy chỉ huy quân đội…

Thay cho lời kết của bài, Ban biên tập Trang thông tin điện tử xã Ninh Giang xin dẫn lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”.

Sưu tầm tư liệu và chụp ảnh Vô Vi

 

 

Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập
Tổng số lượt truy cập
736128

Trực tuyến: 2

Hôm nay: 69

Hôm qua: 94